105 tác phẩm hội họa và điêu khắc do các nghệ sĩ từng sống và sáng tác giữa chiến trường thể hiện lại những năm tháng hào hùng. “Đây là tài sản vô giá bởi một trăm năm sau, người ta có thể mô phỏng lại chúng, nhưng những năm tháng chiến đấu oanh liệt ấy sẽ không bao giờ tái hiện được vì lịch sử đã sang trang”.
Ngọc Anh
Ngày 19/5, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khai mạc triển lãm chuyên đề “Kể chuyện sau ngày thống nhất” nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).
Triển lãm giới thiệu 105 tác phẩm gồm tranh, tượng, ký họa, phần lớn do các họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc Câu lạc bộ Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng (B11) sáng tác.
Sự kết hợp giữa những tác phẩm thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và sáng tác của các nghệ sĩ từng trải qua thời chiến chính là điểm nhấn đặc biệt, tạo nên dòng chảy ký ức liền mạch, mở ra không gian suy tưởng về một giai đoạn lịch sử không thể lãng quên.
Nhiều tác phẩm được thực hiện trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thể hiện chân thực ký ức, cảm xúc của chính những người trong cuộc.
“Những tác phẩm này là tài sản vô giá. Một trăm năm sau người ta có thể mô phỏng lại, nhưng ký ức, cảm xúc từ những năm tháng ấy sẽ không bao giờ tái hiện được.”, Họa sĩ chiến trường Nguyễn Thị Hồng Xuân xúc động chia sẻ.
Từng bức tranh, bức tượng không chỉ ghi dấu khoảnh khắc của một thời khói lửa mà còn khắc họa những phút giây đời thường nơi chiến tuyến – từ trận địa khốc liệt đến hình ảnh yên bình hiếm hoi, hay chân dung đồng đội.
Có mặt tại sự kiện, các họa sĩ Nguyễn Hồng Xuân, Quách Phong, và nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thánh đã kể lại hành trình sáng tác giữa rừng sâu, với họa cụ thô sơ nhưng đầy quyết tâm.
“Chúng tôi vẽ trong bom đạn, giữa rừng rậm, núi sâu, với họa cụ thô sơ như mực tàu, màu nước. Nhưng chúng tôi đã làm hết sức mình để tạo ra những tác phẩm tử tế. Chất lượng của những bức tranh mà các bạn thấy hôm nay là minh chứng cho tinh thần chiến đấu của chúng tôi”,” họa sỹ Nguyễn Hồng Xuân nói.
Với hoạ sĩ Quách Phong, ký ức về những bức tranh hoạ đồng đội là điều làm ông xúc động, không thể nào quên.
“Khi tôi vẽ trong những năm tháng ấy, tôi đã kịp ghi lại hình ảnh đồng đội mình - những người không biết khi nào sẽ nằm lại. Tôi nghĩ tôi đã làm tròn nghĩa vụ cuộc đời mình”, ông Phong kể.
Thông qua ngôn ngữ hội họa và điêu khắc, những câu chuyện của quá khứ đã được tái hiện lại bằng cảm xúc, kí ức của chính những người trong cuộc.
Chuyên đề này không chỉ là hành trình gợi nhắc về một chặng đường lịch sử đặc biệt, mà còn là dịp để chúng ta cùng nhau chiêm nghiệm và trân trọng giá trị của hòa bình.
Đồng thời, hiểu rõ hơn về vai trò của nghệ thuật trong việc ghi lại và phản ánh những biến chuyển xã hội, cũng như trong việc xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh.
Chuyên đề là dịp ý nghĩa để công chúng tri ân sự cống hiến của các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do và hòa bình của Tổ quốc; đồng thời, tôn vinh những nghệ sĩ đã sống, chiến đầu và sáng tạo trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn để ghi lại lịch sử một cách cảm xúc và chân thực.
Vừa qua lễ hội Áo dài, một sự kiện văn hóa - du lịch thường niên nổi bật của TP. Hồ Chí...
Với mẹo nhỏ này, các bạn có thể áp dụng thành công để sàn nhà sạch bóng và thơm tho hơn,...
Tối ngày 20/03, Quảng trường Bikini Beach - NovaWorld Phan Thiết, Bình Thuận, nơi diễn ra chung kết...
Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ Việt Nam 2025 đang "gây sốt" cộng đồng doanh nhân nữ trên cả...