Không chỉ nổi tiếng với những công trình gắn liền với chiều dài lịch sử, Huế còn mang trong mình dáng dấp của một thành phố trầm mặc, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, gắn liền với tâm hồn và lối sống người Cố đô. Một trong những biểu hiện tinh tế ấy chính là văn hóa thưởng trà và loại hình trà hoa xứ Huế.
Ngọc Anh
Trong hành trình khám phá bản sắc văn hóa Huế, không phải ai cũng nhận ra dòng chảy thầm lặng nhưng bền bỉ của văn hóa trà đạo nơi đây. Không hề phô trương, trà đạo hiện diện trong nếp sống, không gian sinh hoạt và trong cả tâm hồn của nhiều người con đất Huế.
Tại thành phố này, Hiên Trà Nhị Độ Mai, tiền thân là Di Nhiên Trà Thất có lẽ đã trở thành điểm đến quen thuộc với những ai yêu trà, hoặc đơn giản là tìm kiếm một không gian yên bình để đàm đạo, tĩnh lặng giữa lòng phố cổ.
Chủ nhân của hiên trà là Tiến sĩ văn học Trần Thị Thanh Nhị (40 tuổi), hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Huế. Cô cũng là một trong những nghệ nhân pha trà trẻ tuổi được công nhận tại thành phố này. Thừa hưởng tình yêu trà từ người ông và sự am hiểu sâu sắc về nghệ thuật trà đạo, Thanh Nhị đã sáng tạo nên những loại trà mang đậm dấu ấn cá nhân, kết hợp trà với các loài hoa, đặc biệt là sen và mai; qua đó góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa trà Huế.
Cô bắt đầu nghiên cứu trà từ nhiều năm về trước qua hành trình rong ruổi đến các vùng đất nổi tiếng như Đồng Văn, Mèo Vạc, Suối Giàng,... để tìm hiểu và thu thập các loại trà dân gian. Từ đó, cô tiến hành nghiên cứu, kết hợp trà với những loài hoa quen thuộc, đặc biệt là sen và mai - hai biểu tượng thanh khiết và tinh tế của Huế để tạo ra những hương vị mới lạ nhưng vẫn đậm đà hồn xứ.
Tại Hiên Trà Nhị Độ Mai, Thanh Nhị không chỉ là nghệ nhân mà còn là người truyền cảm hứng yêu trà đến nhiều bạn trẻ. Cô hướng dẫn những “trà nương” cách làm trà hoa, cách sao trà và thực hành nghệ thuật thưởng trà. Bằng những lớp học tại gia, các hoạt động cộng đồng, những cuộc thi và những lần tham gia festival văn hóa Huế, cô đang góp phần đưa trà đạo đến gần hơn với mọi người không chỉ tại Huế mà còn với du khách phương xa.
Nhiều người cho rằng trà đạo quá tĩnh lặng và nhàm chán để thu hút sự yêu thích của giới trẻ trong nhịp sống xô bồ. Nhưng theo Thanh Nhị, tại hiên trà của cô, có đến 85% khách thưởng trà nằm trong độ tuổi từ 25 đến 35. Đây là một con số biết nói, phản ánh mối quan tâm ngày càng lớn của giới trẻ đối với những giá trị giúp tâm hồn an yên, cũng như sự hồi sinh mạnh mẽ của một nét văn hóa xưa cũ nhưng không hề lạc thời.
Dịu Hiền (26 tuổi), một du khách trẻ có mặt tại hiên trà chia sẻ: “Dường như các chuyến tham quan Huế thường chú trọng các di tích vật thể như đền đài, lăng tẩm, hay các di sản phi vật thể như ca Huế. Ít ai để ý rằng Huế còn có trà - loại hình mang đậm tinh thần của vùng đất Cố đô”.
Nêu cảm nghĩ về vấn đề này, nghệ nhân Thanh Nhị khẳng định: “Chúng ta cần nỗ lực hết mình trong việc bảo tồn và quảng bá những giá trị lịch sử, trong đó có trà đạo. Những mô hình trà đạo tại Huế là điểm nhấn văn hóa rất cần thiết, hoàn toàn xứng đáng để được đặt ngang hàng với các công trình, di sản nếu xét về chiều sâu và giá trị tinh thần mà chúng mang lại”.
Trà hoa nói riêng và nghệ thuật thưởng trà Huế nói chung là một nét đẹp vừa tinh tế nhưng cũng không kém phần mộc mạc. Và hơn hết, vị thế của chén trà trong hành trình văn hóa dân tộc cần được đặt đúng nơi, đúng tầm – như chính giá trị của nó mang lại từ bao đời nay.
Vừa qua lễ hội Áo dài, một sự kiện văn hóa - du lịch thường niên nổi bật của TP. Hồ Chí...
Với mẹo nhỏ này, các bạn có thể áp dụng thành công để sàn nhà sạch bóng và thơm tho hơn,...
Tối ngày 20/03, Quảng trường Bikini Beach - NovaWorld Phan Thiết, Bình Thuận, nơi diễn ra chung kết...
Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ Việt Nam 2025 đang "gây sốt" cộng đồng doanh nhân nữ trên cả...