Cùng với địa danh nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình là Nhà thờ đá Phát Diệm, vùng đất Kim Sơn được mọi người biết tới là vùng đất có truyền thống lâu năm trồng cói và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc từ cây cói.
Huyền Chi
Theo các cụ lâu năm sinh sống tại vùng đất Kim Sơn kể lại rằng: Vào năm 1829, doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ theo lệnh của Vua Minh Mạng tổ chức khai hoang vùng đất hoang hóa ven biển và đặt tên là Kim Sơn - huyện “Núi Vàng”. Ông là người đã biến tiềm năng của một vùng duyên hải màu mỡ, bao la trở thành một vùng “núi vàng” thực sự, bằng cây cối, bằng lúa, cói và kinh tế biển.
Kể từ đó đến nay, người Kim Sơn cùng với nhiều thế hệ kế tiếp nhau, bảy lần mở đất, lấn biển và đã tạo nên những bãi bồi mênh mông để trồng cói. Đặc biệt, ở vùng đất Kim Sơn sóng gió, bão biển, nước mặn, chỉ cây cói là luôn trụ vững trước những thách thức của tự nhiên.
Cây cói mềm mại, óng ả, có vai trò là sợi nối giữa biển với bờ, giữa những con người cần cù, khoẻ mạnh với thiên nhiên trù phú, bao la và còn là biểu tượng của những người dân lấn biển.
Hỏi thăm các nghệ nhân trong huyện Kim Sơn, chúng tôi được biết: Nổi bật nhất trong các sản phẩm từ cói của vùng đất này phải kể đến chiếu cói. Dệt chiếu cói là cả một quá trình lao động sáng tạo, cẩn thận từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói sao cho đỏ tươi, bền mầu, và khâu dệt cải hoa của chiếu.
Người dệt cải hoa phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại, mắt phải tinh, tay cải phải chính xác, thuộc từng nét cải để không đan lỗi. Ngoài chiếu cói, những người dân địa phương Kim Sơn còn sản xuất ra những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú như: thảm, làn, khay, hộp, mũ, túi xách…
Để có được một sản phẩm cói mỹ nghệ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật trồng và sản xuất cói của Kim Sơn cũng khá đặc biệt. Đó là cả một quy trình công phu, tỉ mỉ và chính xác ngay từ lúc trồng cói, thu hoạch cói, chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói… cho đến khâu cuối cùng là đan, dệt cói và hoàn thiện sản phẩm.
Điển hình như kỹ thuật sử dụng keo polyascera phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, vừa giúp định hình ổn định kiểu dáng công nghiệp, vừa nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm. Nhờ đó mà những sản phẩm cói mỹ nghệ của Kim Sơn luôn đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cây cói giờ đây không chỉ giúp người dân có thêm nguồn thu nhập cải thiện được đời sống, mà còn là niềm vinh dự tự hào khẳng định vị thế của mình.
Cùng với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng cói, người dân Kim Sơn còn sáng tạo các đồ mỹ nghệ bằng thân cây bèo bồng, thân cây lúa thơm để xuất khẩu.
Mặc dù có những khó khăn về phát triển diện tích trồng cói cũng như nghề chế biến cói vẫn được chính quyền địa phương đang cố gắng, nỗ lực và duy trì khi nghề truyền thống này ít nhiều bị mai một. Tuy nhiên, những người thợ lành nghề nơi đây vẫn ngày đêm son sắt một niềm tin với nghề truyền thống ngày một phát triển lớn mạnh. Đặc biệt, cói Kim Sơn đã và đang góp phần gìn giữ và đưa những giá trị truyền thống của quê hương đất nước Việt Nam ra thị trường thế giới.
Nhà sản xuất ô tô Toyota ra thông báo ngày 2/10 xác nhận sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào công ty...
Mẫu thiết kế căn hộ penthouse đẹp 2022, hướng đến việc tạo ra một không gian sống đẳng...
NSND Trịnh Kim Chi, một gương mặt quen thuộc trong làng giải trí Việt Nam, vừa nhận lời trở...
Uống loại nước ép này thường xuyên có thể giúp giảm huyết áp và cholesterol.