“Hãy cho người khuyết tật cơ hội, cơ hội ngang bằng chứ không phải cơ hội ưu tiên”. Đó là chia sẻ của bà Võ Thị Hoàng Yến tại Toạ đàm “Sự tham gia và tiềm năng của người khuyết tật trong thực hành điện ảnh”.
Tiểu My
Người khuyết tật cần cơ hội ngang bằng
Bà Võ Thị Hoàng Yến được ví là cánh chim yến của cộng đồng người khuyết tật, người sáng lập nên Trung tâm khuyết tật và phát triển Việt Nam (DRD). Năm 2019, bà được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất ở Việt Nam.
Gần 10 năm trước, tôi gặp bà lần đầu tại Hội thảo Bình đẳng và hòa nhập cho người khuyết tật diễn ra tại thành phố Đà Lạt do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển phối hợp cùng Tổ chức Lao Động quốc tế (ILO) tổ chức. 10 năm sau, cánh chim yến đầu đàn của cộng đồng người khuyết tật năm nào tóc đã muối tiêu nhưng đôi mắt sáng, giọng nói từ tốn và niềm đau đáu về khát vọng bình đẳng, cơ hội bình đẳng với người khuyết tật vẫn luôn ở đó.
“Điều quan trọng, cần làm rõ nguồn gốc vấn đề: người khuyết tật không thể đóng góp cho cộng đồng không phải là do những khiếm khuyết trên cơ thể họ mà bởi xã hội chưa tạo điều kiện để những người khuyết tật phát triển hết năng lực của mình”- bà đã nói như vậy gần 10 năm trước.
Tại Toạ đàm “Sự tham gia và tiềm năng của người khuyết tật trong thực hành điện ảnh” vào chiều 18/11 vừa qua, bà tiếp tục khẳng định qua những câu chuyện và trải lòng.
“Tôi từng được một đơn vị liên hệ tổ chức cuộc thi Viet Nam idol dành cho người khuyết tật và mời tôi làm giám khảo. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi nghĩ đó là thi tài năng, người khuyết tật cũng như người không khuyết tật, cần được đối xử bình đẳng. Cuộc thi riêng, giải thưởng riêng là sự phân biệt đối xử. Cơ hội dành cho tất cả. Không thể lấy thiệt thòi của mình ra để xin điểm. Người khuyết tật cũng không muốn như vậy!”- bà Võ Thị Hoàng Yến khẳng định.
Bà cũng là người sáng lập nên Hội quán Đời rất đẹp, ở đó những người khuyết tật có cơ hội thể hiện khả năng nghệ thuật của mình. Nhưng không phải bất cứ ai là người khuyết tật, có đam mê ca hát nghệ thuật cũng được biểu diễn solo trên sân khấu. Bà quan niệm :“Sản phẩm của người khuyết tật cũng chất lượng như những người khác”.
Gia đình là nền tảng
Tham dự Toạ đàm “Sự tham gia và tiềm năng của người khuyết tật trong thực hành điện ảnh” mới đây còn có Nhà sản xuất - đồng biên kịch Nghiêm Quỳnh Trang, diễn viên Hà Phương. Dưới những câu hỏi mở của chuyên gia truyền thông Phương Thuỷ, buổi toạ đàm diễn ra trong không khí gần gũi, những câu hỏi liên tục được khán giả đặt ra dù thời gian toạ đàm đã hết. Đặc biệt, câu chuyện của người mẫu, diễn viên Hà Phương khiến nhiều người thích thú.
Cu Li Không Bao Giờ Khóc là bộ phim đầu tiên có sự tham gia của diễn viên người khuyết tật Hà Phương đảm nhận vai chính. Khác với hình ảnh có phần già dặn trên phim, xuất hiện tại toạ đàm, Hà Phương gây thương nhớ bởi gương mặt xinh xắn, lối trò chuyện hài hước. Nữ sinh Đại học Sư phạm Hà Nội thoải mái với quần bò, áo phông ngắn tay, sau cặp kính cận là ánh mắt sáng và nụ cười luôn thường trực.
Khi được hỏi cô có suy nghĩ gì khi báo chí và truyền thông thường gọi cô với những tên gọi như: “người mẫu khuyết tật”, “người mẫu khuyết tay”, “Model khuyết tay”…, Hà Phương nói cô thấy bình thường. “Đó là những từ để phân biệt người mẫu này có khác biệt với người mẫu khác. Báo chí có lý do của báo chí. Tôi không mặc định “từ ngữ” nào là xấu. Với tôi, tôi nhìn nhận đó là từ bình thường, thì đúng là tôi khuyết tật”- Hà Phương chia sẻ.
Hà Phương bị cụt tay bẩm sinh do mẹ cô mắc cúm rubella trong lúc mang bầu. Ngày con gái chào đời, thấy con có khiếm khuyết, mẹ cô từng khóc nhiều đến nỗi khiến dây thần kinh số 7 bị yếu. “Từng có thời gian mẹ tôi bị tai biến. Mẹ tôi mua rất nhiều sách tâm lý về học, dành rất nhiều thời gian ở bên con, mẹ “quẳng” tôi vào môi trường của những người không khuyết tật, tôi không học ở những ngôi trường đặc biệt”- Hà Phương chia sẻ.
Hà Phương cũng từng bị bắt nạt bởi những khiếm khuyết trên cánh tay trái của mình. Nhưng thay vì bảo bọc cho công chúa nhỏ, mẹ dạy cô “ngã thì tự đứng dậy”.
“Lúc tôi bị bắt nạt, tôi về kể với mẹ, mẹ tôi “lờ” đi. Tôi từng ấm ức tự hỏi “mẹ không thương mình à”. Cấp 2 không dừng ở trêu chọc, bạn bè còn đụng tay đụng chân như ném đồ vật vào người tôi. Mẹ tôi bảo “đánh mình thì mình đánh lại”. Mẹ nói rằng mách cô giáo không được đâu vì nhiều khi cô không can thiệp hết chuyện trẻ con, mách bố mẹ cũng không giải quyết được, nhiều khi còn bị đánh nặng hơn. Nên mỗi lần bị đánh tôi bắt đầu đánh lại. Tôi nhận ra “Mọi việc tôi đều. giải quyết được’. Mẹ tôi luôn ủng hộ và quan tâm tôi ở mức độ không để mọi chuyện đến mức cực đoan. Tôi nhận ra tôi có thể giải quyết được mọi vấn đề của mình, ngã thì tự đứng dậy” – Hà Phương hạnh phúc nhớ lại.
Hà Phương sải bước trên sàn catwalk, được chọn làm người mẫu không phải vì cô là người khuyết tật mà bởi cô có chiều cao ấn tượng, có gương mặt ăn hình, có vóc dáng mặc đồ tôn trang phục.
Cũng như khi được chọn vào phim “Cu Li Không Bao Giờ Khóc”, Nhà sản xuất - đồng biên kịch Nghiêm Quỳnh Trang khẳng định khi xây dựng kịch bản cô chưa từng có ý định đây sẽ là nhân vật khuyết tật, cô sợ “câu view”. Hà Phương được chọn bởi chính cái duyên, sự nỗ lực, ăn ý của cô đã khiến nữ biên kịch gật đầu.
Cu Li Không Bao Giờ Khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân đánh bại nhiều ứng cử viên nặng kí thắng giải "Phim đầu tay xuất sắc" tại LHP Berlin. Một bộ phim nhẹ nhàng, không khó xem, không đánh đấm kịch tính nhưng có thể dễ dàng len lỏi chạm vào cảm xúc của người xem và giữ khán giả ở lại, như ai đó từng nói đó là "một bộ phim nữ tính giữ ta ngồi lại êm ái giữa dòng chảy ganh đua khốc liệt của khái niệm doanh thu".
Phim kể về bà Nguyện (Minh Châu đóng) từ châu Âu trở về Việt Nam với món thừa kế là con culi của người chồng qua đời, goá bụa nuôi cháu gái. Người mẫu Hà Phương vào vai Vân, cô gái trẻ chỉ mới 20 tuổi phải "cưới chạy bầu" vì lỡ có thai với bạn trai.
Sự nỗ lực và toả sáng của Hà Phương trong bộ phim “Cu Li Không Bao Giờ Khóc” đã truyền cảm hứng cho những người khuyết tật đang theo đuổi giấc mơ. Sự xuất hiện của Hà Phương như một lời khẳng định: trong lĩnh vực điện ảnh hay bất cứ một lĩnh vực nào khác, điều người khuyết tật cần là cơ hội, là cơ hội ngang bằng chứ không phải cơ hội ưu tiên.
Bộ phim "When The Phone Rings" (Khi điện thoại đổ chuông) hoãn phát sóng 2 tập tiếp theo.
Bên cạnh những địa danh nổi tiếng như Hà Nội, phố cổ Hội An,... Việt Nam còn có nhiều...
Mới đây, Á hậu Thùy Linh đã hoàn thành xuất sắc vai trò BGK tại cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa...
Nhiều nhà sáng tạo nội dung có được thu nhập ổn định nhờ sở hữu kênh TikTok, YouTube với...